Làn da của chúng ta thỉnh thoảng sẽ xuất hiện những nốt mụn bọc hay mụn mủ trong một thời gian ngắn ở khu vực cằm hoặc má dưới. Đây chính là sự thay đổi nội tiết tố đột ngột trong cơ thể. Sự thay đổi dẫn đến việc các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức gây bít tắc lỗ chân lông và gây ra mụn nội tiết.
Mụn nội tiết là gì?
Mụn nội tiết là loại mụn xuất hiện khi cơ thể thay đổi hormone đột ngột. Khi đó sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ, gây bít tắc lỗ chân lông.
Đa số mọi người luôn có một quan niệm sai lầm rằng mụn nội tiết chỉ có ở nữ giới. Thực tế, nó liên quan đến hormone chứ không liên quan đến giới tính. Vì vậy cả nam và nữ đều có nguy cơ bị mụn nội tiết. Tuy nhiên ở nữ giới có nhiều thời điểm có thể bị rối loạn hormone hơn. Chẳng hạn như tuổi dậy thì, thời kỳ mang thai hay tiền mãn kinh. Do đó, nữ giới sẽ là đối tượng chính bị mụn nội tiết. Còn nam giới mụn thường chỉ xuất hiện ở thời kỳ dậy thì mà thôi.
Đặc điểm nhận dạng mụn nội tiết
Thời điểm xuất hiện
Mụn trứng cá thông thường sẽ xuất hiện quanh năm mà không có nguyên nhân cụ thể. Còn đối với mụn nội tiết thì thường xuất hiện vào các thời điểm sau:
- Giai đoạn dậy thì
- Thời điểm trước kỳ kinh nguyệt
- Khi uống thuốc tránh thai
- Khi mang thai
- Giai đoạn tiền mãn kinh
Vị trí xuất hiện
Mụn nội tiết thường xuất hiện ở vùng dưới xương gò má, đường quai hàm và xung quanh miệng.
Mụn ở đường quai hàm
Mụn ở dưới xương gò má
Mụn ở xung quanh miệng
Hình dạng mụn
Mụn nội tiết dạng nhẹ sẽ giống với mụn trứng cá và mụn đầu đen. Nhưng thông thường sẽ là mụn bọc có mủ, nằm sâu trong lỗ chân lông, cảm giác đau nhức khi chạm vào.
Hiệu quả của các phương pháp trị mụn
Phản ứng của các sản phẩm hay phương pháp trị mụn bạn đang áp dụng cũng là cách để nhận biết mụn nội tiết. Nếu:
- Mụn không có dấu hiệu thuyên giảm khi bạn sử dụng các sản phẩm đặc trị.
- Tình trạng mụn không cải thiên khi bạn ngừng/tiếp tục uống thuốc tránh thai.
Nguyên nhân gây ra mụn nội tiết
Nguyên nhân bên trong
Nguyên nhân chính gây ra mụn nội tiết chính là sự thay đổi hormone trong cơ thể. Các hormone liên quan đến mụn trứng cá bao gồm: Androgen, Estrogen, Progesterone, Insulin, IGF-1, CRH, ACTH, Melanocortins, Glucocorticoid, hormone tăng trưởng (GH). Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là sự thay đổi hormone Androgen. Đây là hormone kích thích hoạt động của tuyến bã nhờn, đồng thời thay đổi chức năng hoạt động của tế bào da, tạo điều kiện thuận lợi cho mụn phát triển.
Đối với thời kỳ tiền mãn kinh, hormone Estrogen có xu hướng giảm dần. Lượng Estrogen cũng không ổn định trong các giai đoạn khác như dậy thì, mang thai hay trước kỳ kinh nguyệt. Điều này dẫn đến việc hàm lượng Androgen tăng cao để cân bằng nội tiết. Từ đó, vô hình chung làm tăng lượng bã nhờn tiết ra gây bít tắc lỗ chân lông – nguyên nhân chính gây ra mụn.
Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh buồng trứng đa nang cũng có thể gây ra mụn nội tiết.
Nguyên nhân bên ngoài
Chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống và nghỉ ngơi, sinh hoạt hàng ngày. Nếu bạn ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc ăn quá nhiều tinh bột, lượng Insulin tăng kích thích sản sinh keratin và bã nhờn cũng như giải phóng Androgen. Thức khuya, uống nhiều cafe, stress thường xuyên cũng góp phần làm rối loạn hormone và gây ra mụn nội tiết.
Cách điều trị mụn nội tiết
Để có phương pháp điều trị mụn nội tiết hiệu quả nhất, bạn cần phải xác định được nguyên nhân gây ra mụn của mình là gì. Các phương pháp điều trị mụn chính: sử dụng sản phẩm dạng bôi, sản phẩm dạng uống, thay đổi chế độ sinh hoạt.
Sản phẩm dạng bôi
Mụn nội tiết chủ yếu là mụn nang và mụn bọc, sử dụng các sản phẩm làm sạch hay dạng bôi đúng cách cũng có thể hỗ trợ một phần quá trình điều trị mụn. Một số sản phẩm có khả năng kháng khuẩn như AHA, BHA, Tea tree oil, retinol,…Tuy nhiên để điều trị hiệu quả nhất bạn nên kết hợp cùng các biện pháp chuyên sâu ở spa cũng như kết hợp cùng thuốc kê đơn của bác sĩ.
Sản phẩm dạng uống
- Thuốc kê đơn
Sản phẩm thuốc kê đơn sẽ bao gồm 4 nhóm chính, đó là: nhóm ức chế Androgen, nhóm tác dụng lên sản xuất Androgen thượng thận, nhóm phong tỏa Androgen buồng trứng, nhóm kích thích Insulin.
- Thực phẩm chức năng
Ngoài thuốc kê đơn, chúng ta cũng có thể cải thiện tình trạng mụn bằng cách bổ sung vitamin và khoáng chất tốt cho da mụn thông qua đường ăn uống và thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng có các thành phần tốt cho da mụn ví dụ như: vitamin A, omega-3, omega-6
Omega – 3 có trong dầu cá
Omega – 6 có trong tinh dầu hoa anh thảo
Ngoài dầu cá hay hoa anh thảo, thì dầu hạt lanh và tảo biển cũng là viên thực phẩm chức năng vô cùng tốt trong việc điều trị mụn nội tiết. Dầu hạt lanh có chứa nhiều Omega 3-6-9 giúp chống oxy hóa hiệu quả.
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh dầu hạt lanh có tác dụng điều trị mụn nội tiết. Tuy nhiên dầu hạt lanh giúp giảm nồng độ androgen và hỗ trợ điều trị hội chứng đa nang buồng trứng đã được khoa học chứng minh. Vì vậy việc bổ sung dầu hạt lanh qua đường ăn uống cũng hỗ trợ vấn đề điều chỉnh nội tiết bên trong. Tương tự dầu hạt lanh, tảo biển cũng chưa được chứng nhận trong việc điều trị mụn nội tiết. Tuy nhiên với thành phần chứa nhiều vitamin E, B sẽ giúp loại bỏ độc tố và các vi khuẩn gây mụn.
Thay đổi chế độ ăn uống/ sinh hoạt
Ngoài những phương pháp chăm sóc da chuyên sâu, thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt chính là phương pháp đơn giản mà mọi người hay bỏ lơ trong quá trình trị mụn. Nếu không nghiêm khắc thay đổi thì sẽ không thể xử lý hết bất kỳ loại mụn nào. Một số nguyên tắc cần tuân thủ trong việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt:
- Hạn chế ăn đường, tinh bột
- Tăng cường ăn nhiều thực phẩm có chứa axit béo Omega 3-6-9, thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa
- Uống nhiều nước
- Hạn chế tối đa các loại đồ uống có chứa cồn và cafein
- Nên ngủ sớm
- Thường xuyên vận động
- Hạn chế tình trạng stress
Điều trị bất kỳ loại mụn nào cũng cần có thời gian và sự kiên trì. Dù sử dụng phương pháp nào cũng không thể mang lại hiệu quả ngay lập tức được. Vì vậy để điều trị mụn hay mụn nội tiết bạn cũng cần phải bình tĩnh và chờ đợi. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức điều trị mụn đúng đắn.